Dùng rễ phơi khô của cây hoàng kỳ - Astragalus membranaceus Fish. Họ Đậu – Fabaceae.
Tính vị: vị ngọt, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Bổ khí trung tiêu dùng đối với trạng thái cơ thể suy nhược, chân tay vô lực, yếu hơi, chóng mặt, kém ăn, các bệnh sa giáng tạng phủ, tử cung, lòi dom, lỵ, tả lâu ngày, băng lậu của phụ nữ; phối hợp với hoài sơn, bạch truật, thăng ma, sài hồ, trần bì, cam thảo.
- Ích huyết: dùng đối với bệnh huyết hư, thiếu máu, đặc biệt thiếu máu sau bệnh sốt rét; hoặc sau khi bị mất máu nhiều.
- Cố biểu, liễm hãn: dùng chữa các bệnh ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm.
- Lợi niệu tiêu phù thũng: dùng khi tỳ hư, vận hoá nước kém, tâm thận dương hư, tay chân, mặt mắt phù thũng, đặc biệt phù bụng do báng bĩ, dùng hoàng kỳ tần với gà đen.
- Giải độc trừ mủ: dùng trong bệnh mụn nhọt ở thời kỳ đầu, nếu mụn đã loét lâu ngày không khỏi, dùng hoàng kỳ tươi, cất ở đoạn cuối rễ, lấy dịch chảy ra mà bôi vào chỗ sang lở.
- Trừ tiêu khát, sinh tân: dùng trong bệnh đái đường, phối hợp với hoài sơn, tang diệp.
Liều dùng: 4 - 20g.
Chú ý:
- Khi dùng với tính chất bổ, hoàng kỳ thường được trích với mật ong.
- Tác dụng dược lý: nước sắc 0,5g/kg chuột cống, tiêm dưới da, có tác dụng lợi niệu rõ rệt. Với liều 0,2g/kg cũng có tác dụng lợi niệu. Với liều trên được đánh giá tương đương với liều 0,05g/kg chuột cống, của chất theobromin. Nước sắc với liều 0,05g/kg cho tiêm tĩnh mạch, có tác dụng hạ huyết áp. Dịch chiết bằng cồn làm cường tim cóc cô lập, đều ức chế đối với ruột cô lập và không cô lập của thỏ.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc 100% có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, thương hàn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Hoàng Kỳ
Nhận xét
Đăng nhận xét