Dùng rễ của cây nhân sâm - Panax ginseng C.A Mey. Họ ngũ gia bì - Araliaceae. Nó là một trong bốn vị thuốc đứng đầu của đông y: sâm, nhung, quế, phụ.
Tính vị: vị ngọt, hơi đắng, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch, làm khoẻ thần kinh, trí não minh mẫn, dùng trong các trường hợp khí hư, kém ăn, bệnh đã lâu ngày, thân thể gầy yếu, mất ngủ, hay quên. Cơ thể háo khát, hoặc trẻ con bị kinh giản, còn dùng nhân sâm khi cơ thể bị bệnh ngụy cấp, mạch muốn tuyệt, hoặc sau khi mất máu nhiều; có thể chỉ dùng riêng vị nhân sâm dưới dạng thuốc hãm, gọi là độc sâm thang, hoặc sâm phụ thang (nhân sâm 6g, phụ tử 12g); dùng khi cơ thể bị mất máu nhiều, trụy tim mạch, trạng thái vong dương. Khi cơ thể bị khí hư thì phối hợp với bạch linh, bạch truật, cam thảo (bài tứ quân), khi cơ thể yếu mệt, đoản hơi, tâm quý, miệng khát, tân dịch thiếu, phối hợp với mạch môn, ngũ vị tử (bài sinh mạch tán).
- Bổ phế bình suyễn: dùng đối với bệnh ho do phế hư như ho lao, viêm khí quản, phế quản mạn tính có thể phối hợp với thục địa, thiên môn đông (cao tam tài).
- Kiện tỳ sinh tân dịch chỉ khát: dùng khi cơ thể phiền khát, tân dịch khô kiệt, mắt khô sáp, môi nứt nẻ. Ngoài ra còn dùng trong các bệnh huyết áp thấp, cơ thế mệt mỏi đau dạ dày. Nói chung dùng nhân sâm đều cải thiện được hoạt động thể lực và tỉnh thần chống lại các stress và các tác nhân anh hưởng đến sức khoe.
Liều dùng: 2 - 12g.
Kiêng kỵ:
- Khi bị đau bụng, đi ngoài lỏng hoặc bệnh có thực tà cũng không dùng; những người có huyết áp cao cũng không dùng.
- Nhân sâm phản lệ lô, uý ngũ linh chi.
- Khi dùng cần bỏ phần núm đầu rễ, vì phần này có tính chất kích thích cổ họng, gây nôn lợm; chỉ có thể dùng phần đầu rễ nhân sâm làm thuốc long đàm, trừ đàm mà không dùng làm thuốc bổ.
- Khi dùng có thể sao với nước gừng (đối với thể hư hàn).
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: nhân sâm có tác dụng trấn tĩnh hệ thống thần kinh trung khu, nước sắc có tác dụng làm giảm các hoạt động tự phát của chuột, thỏ, mèo.
- Hỗn hợp ginsenozit chiết từ nhân sâm có tác dụng ức chế thần kinh trung khu, tác dụng giảm đau; dịch chiết của nhân sâm làm tăng thời gian bơi của chuột, tăng huyết áp (liều nhỏ), hạ huyết áp (liều lớn), ngoài ra còn có tác dụng cường tim ếch, tăng cường sức để kháng của cơ thể đối với các nguyên nhân độc hại vật lý, hoá học, hạ thấp đường huyết. Đáng chú ý là saponin từ rễ nhánh không có tác dụng tan máu, ở củ hơi tan máu, ở lá thì có tác dụng tan máu.
- Với dịch chiết nhân sâm làm huyết áp lúc đầu tăng nhẹ, sau giảm. Ngoài ra còn tác dụng hạ đường huyết và không ảnh hưởng đến chuyển hoá lipid máu.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét