Đan nghĩa là đơn là đỏ, vì cây sâm này có rễ màu đỏ, rễ cây đan sâm Salvia multiorrhiza Bunge. Họ Hoa môi Lamiaceae.
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Hoạt huyết, trục huyết ứ: dùng để trị hành kinh không đều, đau bụng kinh, bế kinh, sau khi đẻ huyết ứ đọng, gây đau bụng; các trường hợp do chấn thương mà cơ gân sưng tấy đau đớn.
- Dưỡng tâm an thần: dùng trong các bệnh tâm hồi hộp, mất ngủ, suy nhược thần kinh; còn dùng trong bệnh co thắt động mạch vành tim, phối hợp với đương quy, táo nhân.
- Bổ huyết, có thể dùng đối với các bệnh thiếu máu, đặc biệt đối với các bệnh mặt nhợt nhạt, xanh xao của phụ nữ chưa có chồng. Khi dùng với tính chất bổ huyết thì dùng đan sâm dạng không qua chế biến.
- Bổ can tỳ: dùng trong các trường hợp gan và lá lách bị sưng to, trị bệnh huyết hấp trùng đều có hiệu quả.
- Giải độc: dùng cho các trường hợp sang lở, mụn nhọt.
Liều dùng: 8 - 20g.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: đan sâm có tác dụng làm mềm và thu nhỏ thể tích của gan và lá lách khi sưng to do bệnh gan và huyết hấp trùng. Đan sâm còn có tác dụng an thần, gây ngủ. Ngoài ra còn có tác dụng làm giãn các huyết quản nhỏ. Đan sâm còn ức chế tế bào ung thư phổi.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét