Là sản phẩm được chế biến từ sinh địa. Sinh địa là sản phẩm đã qua chế biến từ rễ sinh địa hoàng Rhemannia glutinosa Gaertn. Họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae.
Tính vị: vị ngọt, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Tư âm, dưỡng huyết dùng trong các trường hợp thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, tân dịch khô sáp, mắt khô rom, nứt nẻ môi, râu tóc sớm bạc, lưng đau, gối mỏi khi dùng phối hợp với hà thủ ô, đương qui, câu kỷ tử.
- Sinh tân dịch, chỉ khát, dùng trong bệnh tân dịch hao tổn, háo khát phối hợp với hoài sơn, tri mẫu, hoàng liên, ngũ vị tử (còn có trong thành phần lục vị hoàn).
- Nuôi dưỡng và bổ thận âm, dùng trong các trường hợp chức năng thận âm kém (thận âm bất túc), dẫn đến ù tai, di mộng tinh, tự hãn, phụ nữ kinh nguyệt không đều huyết hư sinh đau đầu; phối hợp cúc hoa, mạn kinh, đương qui.
Liều dùng: 12 - 20g.
Chú ý:
- Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng. Dùng thục địa lâu dễ ảnh hưởng đến tiêu hoá, do đó khi dùng có thể phối hợp thêm thuốc hành khí như trần bì, hương phụ để tránh hiện tượng đầy bụng.
- Phạm Xuân Sinh, Phùng Hoà Bình, Vũ Văn Điền thấy rằng trong thục địa (chế theo phương pháp chế của Dược điển Việt Nam), iridoid glyeosid vẫn tồn tại, tuy nhiên hàm lượng đó rất thấp (0,01%) điều đó chứng tỏ quá trình chế biến đã làm giảm hàm lượng iridoid trong thục địa.
Ngô Văn Thông và cộng sự, thấy rằng lượng đường khử trong thục địa nấu theo phương pháp cửu chưng cửu sái đạt 36,1% còn nếu nấu cải tiến (hấp sinh địa 20 phút trong nồi hấp ở 120°C để làm mềm, sau đó thuỷ phân dược liệu bằng men emulsin ở 45°C trong 24 giờ, sau cùng là tẩm dịch chiết cồn sa nhân, gừng rồi sấy khô ở nhiệt độ 50°C) thì hàm lượng đường khử đạt 37,5%.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Sinh Địa
Nhận xét
Đăng nhận xét