Dùng rễ của cây đương quy - Angelica sinensis (Oliv) Diels. Họ Hoa tán - Apiaceae.
Tính vị: vị ngọt, hơi đắng, tính ấm.
Công năng chủ trị:
- Bổ huyết, bổ ngũ tạng, bổ huyết trong các trường hợp thiếu máu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao, người gầy yếu. Phối hợp với xuyên khung, bạch thược, cam thảo (trong bài tứ vật thang).
- Hoạt huyết, giải uất kết là vị thuốc vừa bổ huyết vừa hoạt huyết cho nên dùng thích hợp cho các trường hợp thiếu máu, kèm theo có ứ tích của phụ nữ có kinh bế, vô sinh, phối hợp với bạch thược, sa tiền tử. Nếu đau cơ đau khớp do ứ huyết thì phối hợp với thuốc hoạt huyết như hồng hoa, ngưu tất. Nếu đau đầu dữ dội thì dùng đương quy trích rượu.
- Hoạt tràng thông tiện: vị thuốc có tác dụng nhu nhuận với vị tràng, do đó dùng thích hợp với chứng huyết hư huyết táo gây táo bón. Phối hợp với thảo quyết minh, thục địa.
- Giải độc dùng trong các trường hợp mụn nhọt, đinh độc vì thuốc vừa có tác dụng giải độc lại có tác dụng giảm đau do khả năng hoạt huyết, tiêu trừ huyết ứ của nó.
Liều dùng: 6 - 20g.
Kiêng kỵ: những người tỳ vị có thấp nhiệt, đại tiện lỏng, không nên dùng; để tránh hiện tượng gây hoạt tràng, đại tiện lỏng, khi dùng cần qua sao chế để giảm tính nhuận hoạt, của vị thuốc.
Chú ý:
- Theo kinh nghiệm dùng đương quy, người ta thấy rằng phần đầu của củ đương quy (quy đầu), có tác dụng cầm máu, phần giữa (quy thân) có tác dụng bổ máu, phẩn đuôi (quy vĩ) có tác dụng hành huyết. Do đó cần lưu ý khi sử dụng nó.
- Tác dụng dược lý: từ đương quy người ta biết được có hai loại thành phần vừa ức chế vừa gây hưng phấn tử cung; phần ức chế, chủ yếu là tinh dầu, phần hưng phấn là phần tan trong nước. Dùng bột đương quy (5% so với lượng thức ăn), nuôi chuột trong 4 tuần, thấy rằng lượng tiêu hao oxy của tổ chức gan tăng lên; và xúc tiến sự tăng sinh của tử cung. Nước sắc và dạng chiết cồn, có tác dụng hạ huyết áp đối với chó đã gây mê. Nước sắc và dịch chiết bằng ete có tác dụng trấn tĩnh. Đương quy còn có tác dụng hồi phục đối với bệnh thoái hoá tinh hoàn. Tác dụng ức chế quá trình đông máu đặc biệt là đông máu nội sinh.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc đương quy có tác dụng ức chế trực khuẩn dịch hạch, trực khuẩn biến hình, trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn, vi khuẩn hoắc loạn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Đương Quy
Nhận xét
Đăng nhận xét