Là nhân hạt của cây ý dĩ – Coix lachryma jobi L. Họ Lúa – Poaceae ngoài ra còn dùng các bộ phận khác của cây.
Tính vị: vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn.
Công năng chủ trị:
- Lợi thuỷ: dùng để trị các bệnh phù thũng, tiểu tiện khó khăn, đái buốt (dùng hạt; hoặc cây, lá, rễ, sắc uống).
- Kiện tỳ hoá thấp, dùng để trị bệnh tỳ hư, tiêu hoá kém, tiết tả, ý dĩ sao vàng cùng với một số các vị thuốc khác trong bài phì nhi cam tích, nhất là đối với trẻ em.
- Trừ phong thấp, đau nhức, phối hợp với ma hoàng, phòng kỷ, mộc thông.
- Thanh nhiệt độc, trừ mủ: dùng điều trị chứng phế hoá mủ (áp xe phổi), dùng rễ ý dĩ kết hợp với lô căn, đào nhân, diếp cá).
- Thư cân giải kinh: dùng khi chân tay bị co quắp.
- Giải độc tiêu viêm: dùng ý dĩ trong bệnh viêm ruột thừa, phối hợp với kim ngân hoa trong bệnh nổi mụn ở mặt (hạt ý dĩ nấu cháo ngày 10g).
Liều dùng: 20 – 50g.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: nhân ý dĩ có tác dụng ức chế tế bào ung thư, rễ ý dĩ có tác dụng trừ giun, lợi tiểu. Dùng ý dĩ sống có tác dụng lợi thấp nhiệt, sao vàng hoặc sao với nước gừng thì ôn bổ phế tỳ. Những người đại tiện táo kết hoặc phụ nữ có thai không nên dùng. Rễ ý dĩ còn có tác dụng hạ đường huyết.
- Dùng với tính chất lợi thấp, lợi thuỷ thì sao hoặc không sao. Khi dùng với tính chất kiện tỳ thì sao vàng.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Ý Dĩ
Nhận xét
Đăng nhận xét